Cây chè xanh: Đặc điểm, cách trồng và kỹ thuật sóc tại vườn

Cây chè xanh có tên khoa học là Camellia Sinensis. Đây là một loại cây xanh lưu niên thường mọc thành bụi. Cây chè xanh được trồng nhiều tại các nước châu Á với mục đích làm thức uống, làm thuốc hoặc làm cây cảnh.

Đặc điểm của cây chè xanh

Tại Việt Nam, cây chè xanh hay cây trà xanh có mặt từ rất sớm và được trồng nhiều tại các vùng núi trung du Bắc Bộ. Với tiềm năng kinh tế cao cây chè xanh ngày càng được trồng phổ biến hơn. Cây chè xanh thuộc họ Trà (Theaceae) – một họ thực vật có hoa với các đặc điểm thực vật nổi bật như sau:

Thân và cành

Cây chè xanh có 1 thân chính mọc thẳng, trên thân có phân cấp các cành phụ. Do đặc điểm hình dạng phân cành khác nhau cho nên người ta thường chia thân chè ra thành 3 loại thân khác nhau là: Thân bụi, thân gỗ và thân bán gỗ. Cành của cây chè xanh thường do mầm dinh dưỡng phát triển tạo thành. Trên cành có chia thành nhiều đốt. Cùng với thân, cành chè sẽ đảm nhận vai trò tạo khung tán cho cây chè.

Đặc điểm thực vật của cây chè xanh
Đặc điểm thực vật của cây chè xanh

Mầm chè

Mầm chè xanh được chia thành nhiều loại, trong đó, có 2 loại chính là:

  • Mầm dinh dưỡng: Phát triển thành cành lá.
  • Mầm sinh thực: Phát triển thành nụ hoa và quả trà.

Búp chè

Búp chè Thái Nguyên chính là thuật ngữ dùng để chỉ đoạn non trên đỉnh của cành chè. Bộ phận hình thành nên chè búp thái nguyên là các mầm dinh dưỡng. Kích thước búp chè có sự chênh lệch tùy vào nhiều yếu tố như giống cây, chế độ dinh dưỡng, điều kiện môi trường, kỹ thuật nuôi trồng,….

Có 2 loại búp chè chính là:

  • Búp chè bình thường: Búp có cả lá non và tôm chè.
  • Búp mù xòe: Búp có lá non nhưng không có phần tôm.

Lá chè

Lá chè sẽ mọc ra từ đốt trà, thường mọc cách, màu xanh lục đậm dần từ trên xuống. Trên lá có nhiều gân, rìa lá có dạng răng cưa. Lá chè Thái Nguyên xanh trung bình có chiều dài khoảng 3 – 5cm, rộng 2 – 6cm. Kích thước này có thể thay đổi tùy thuộc vào giống, chế độ dinh dưỡng chăm sóc,….

Lá chè xanh chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe
Lá chè xanh chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe

Trên cây chè sẽ gồm nhiều loại lá khác nhau, cụ thể:

  • Lá vẩy ốc: màu nâu, cứng và có vẩy rất nhỏ.
  • Lá mẹ: sở dĩ gọi là lá mẹ bởi chúng có nhiệm vụ nuôi dưỡng chồi mới trên cây chè.
  • Lá cá: đây là lá thật thứ nhất, loại lá này phát triển không đầy đủ như lá thông thường.
  • Lá thật: phát triển hoàn thiện trên cành chè theo những thế khác nhau.
  • Tôm chè: chính là phần lá non chưa xòe ra hết, xung quanh tôm chè được bao bọc bởi nhiều lá non khác.

Rễ chè

Bộ rễ hoàn thiện của cây chè sẽ bao gồm các loại rễ là rễ chính (rễ trụ), rễ hấp thu và các rễ bên. Rễ trụ là loại rễ mọc đầu tiên, chúng đâm sâu xuống lòng đất khoảng 1m. Trong điều kiện đất tốt, tơi xốp rễ trụ có thể ăn sâu đến 3m dưới lòng đất. Rễ hấp thu và rễ bên thường có xu hướng lan rộng ở tầng đất 10 – 40cm với nhiệm vụ tìm kiếm dinh dưỡng nuôi cây.

Hoa chè

Hoa chè phát triển từ mầm sinh thực, thường mọc thành từng cụm ở nách lá. Hoa chè là hoa lưỡng tính, màu trắng, do 5 -7 cánh xếp thành. Trên hoa sẽ có cả nhị và nhụy tuy nhiên, tự thụ ở hoa trà chỉ chiếm 2 – 3%, đa phần vẫn là nhờ giao phấn. Thời gian ủ nụ của cây chè là vào khoảng tháng 6 và nở rộ vào tầm tháng 11 – tháng 12 hàng năm.

Quả và hạt chè

Quả chè thuộc loại quả nang. Trong mỗi quả sẽ có khoảng 3 nang chia thành 3 ngăn riêng biệt, mỗi nang sẽ chứa 1 hạt. Trung bình mỗi quả chè như vậy sẽ cho ra khoảng 2 – 4 hạt chè. Quả chè chín sẽ ngả sang màu nâu. Quả khô có thể tự nẻ ra làm bắn hạt ra ngoài tự nhiên.

Hạt chè được bao bọc bởi một lớp vỏ dày và cứng. Khối lượng diệp tử trong hạt lớn, chiếm tới ¾ khối lượng tử diệp. Ngoài ra, hàm lượng dầu, chất béo trong hạt cũng rất cao, trên 30%. Hạt chè thường hay chín sinh lý sớm do đó cần thu hoạch nhanh để giữ được chất dinh dưỡng của hạt.

Hình ảnh hoa chè mọc ở kẽ lá, cánh hoa màu trắng, nhị vàng
Hình ảnh hoa chè mọc ở kẽ lá, cánh hoa màu trắng, nhị vàng

Phân loại cây chè xanh

Thông thường, người ta sẽ dựa vào các đặc điểm của cơ quan dinh dưỡng, cơ quan sinh thực và các đặc tính sinh hóa của cây chè mà phân loại cây chè. Theo các cơ sở căn cứ trên, cây chè hiện nay được phân thành 4 nhóm chính là:

  • Camellia sinensis var.bohea (Chè Trung Quốc lá nhỏ): thường mọc thành bụi thấp, phân nhiều cành. Lá cây nhỏ, dày, có màu xanh đậm, gân lá tạo thành nhiều đường gợn sóng trên bề mặt. Kích thước của lá cũng không lớn, chỉ khoảng 3,5 – 6,5 cm.
  • Camellia sinensis var.macrophylla ( Chè Trung Quốc lá to): cây thân gỗ có độ cao trung bình 5m. Lá to, màu xanh nhạt, sáng bóng, gân lá rõ, viền lá có răng cưa sâu nhưng không đều. Kích thước chiều dài của lá trung bình 12 – 15cm, bề ngang rộng khoảng 5 – 7 cm.
  • Camellia sinensis var.assamica ( Chè Ấn Độ): cây thân gỗ có chiều cao vượt trội đến 17m. Lá hình bầu dục dài từ 20 – 30cm, mỏng, mềm, màu xanh đậm.
  • Camellia sinensis var. Shan (Chè Shan): cây chè xanh cổ thụ, thân gỗ cao từ 6 – 10m. Lá màu nhạt, to và dài khoảng 15 – 18cm, phần tôm chè có nhiều lông tơ màu trắng.

Ngoài 4 nhóm chè trên, còn có 1 loại chè xanh Bonsai thường được sử dụng làm cây kiểng. Chè xanh Bonsai thường là cây chè cổ thụ, gốc to, chiều cao trung bình dưới 2m, lá nhỏ và nhiều cành.

Cây trà xanh bonsai được nhiều tay chơi cây cảnh yêu thích
Cây trà xanh bonsai được nhiều tay chơi cây cảnh yêu thích

Tác dụng của cây chè xanh

Trong cây chè xanh có chứa nhiều hoạt chất, vitamin và các thành phần khoáng chất có lợi cho sức khỏe con người. Tác dụng của cây chè xanh, nhất là phần lá trà xanh từ lâu đã được chứng minh trong việc hỗ trợ sức khỏe và làm đẹp, khử mùi,…

Tác dụng của lá chè xanh

Lá chè xanh có tác dụng:

  • Diệt khuẩn, kháng viêm.
  • Chống lại chất phóng xạ, tia cực tím, UV.
  • Thúc đẩy quá trình bài tiết và tiêu hóa.
  • Cải thiện chức năng hô hấp, hỗ trợ điều trị các vấn đề tim mạch.
  • Phòng và chữa trị các bệnh liên quan đến hệ thần kinh như Parkinson.
  • Hạ cholesterol và lượng chất béo trong cơ thể, trong máu.
  • Kích thích thần kinh giúp tinh thần minh mẫn, tỉnh táo, tạo sự hưng phấn.
tác dụng lá trà xanh tốt cho sức khỏe
tác dụng lá trà xanh tốt cho sức khỏe

Tác dụng của bã chè

Chè xanh sau khi sử dụng có thể được tận dụng lại để:

  • Khử mùi hôi (mùi trong nhà vệ sinh, trong tủ lạnh, trong các dụng cụ nấu ăn,…)
  • Tẩy trắng vật dụng (làm sáng gương, kính, vật dụng kim loại,…)
  • Đuổi gián, côn trùng, muỗi hiệu quả tương tự như nhang diệt côn trùng.
  • Làm phân bón cho cây trồng có tác dụng giữ ẩm, cung cấp dinh dưỡng hữu cơ.

Quy trình trồng cây chè xanh tại vườn

Kỹ thuật trồng cây chè xanh không quá phức tạp, các bạn chỉ cần áp dụng theo các bước quy trình sau đây:

Chọn giống

Ưu tiên chọn những giống chè có khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường tại nơi trồng. Cây chè giống phải đảm bảo sức khỏe, ít sâu bệnh. Tốt nhất nên chọn những cây chè giống được nhân vô tính theo phương pháp giâm cành trong túi bầu.

Chọn giống cho cây chè xanh
Chọn giống cho cây chè xanh

Chọn đất

Đất trồng chè tốt nhất nên là đất có tầng canh tác từ 80cm trở lên, kết cấu đất tơi xốp, có mạch nước ngầm dưới bề mặt không quá 100cm. Độ dốc của đất bình quân dưới 25 độ. Độ PH trung bình dao động trong khoảng 4-6 độ.

Làm đất và chuẩn bị hố trồng

Trước khi trồng cây giống, đất cần được cày xới cho tơi và vùi phân xanh. Tốt nhất bạn nên thực hiện khâu này trước khoảng 1 tháng để đạt hiệu quả đất trồng tốt nhất. Có 2 cách trồng cơ bản bạn có thể áp dụng là bổ hố và cày rạch. Độ sâu của hố và rạch khoảng từ 20 – 25 cm. Khoảng cách giữa các hàng và giữa các cây cũng cần được tính toán hợp lý.

Làm đất và chuẩn bị trồng cây chè xanh
Làm đất và chuẩn bị trồng cây chè xanh

Bón lót cho đất

Không nên trồng cây ngay sau khi vừa đào đất hoặc bổ rãnh. Đất sau khi đào cần phải bón lót thêm 1 lớp phân hữu cơ nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trong giai đoạn đầu khi rễ hấp thu và rễ bên chưa phát triển. Đối với phân hữu cơ bón lót các bạn bón 20 -30 tấn/ha, 100 – 150kg P2O5/ha. Lưu ý nên trộn đều phân với đất trồng với nhau.

Kỹ thuật trồng cây chè xanh tại vườn
Kỹ thuật trồng cây chè xanh tại vườn

Thời vụ và mật độ

Thời vụ giâm cành và trồng bầu như sau:

Phía Bắc Phía Nam
Thời vụ giâm cành Từ tháng 1  đến tháng 2 và từ tháng 7 đến tháng 8. Từ tháng 2 đến tháng 3 và từ tháng 5 đến tháng 7.
Thời vụ trồng bầu Từ tháng 1 đến tháng 3 và từ tháng 8 đến tháng 9. Từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 6 đến tháng 7.

Mật độ trồng chè nên được tính toán thận trọng. Đối với nơi có địa hình dốc dưới 15 độ thì mỗi cây sẽ cách nhau khoảng 0,4 – 0,5m, các hàng cách nhau từ 1,4 – 1,5m. Đối với đất trồng có địa hình dốc trên 15 độ thì các cây nên có khoảng cách từ 0,3 – 0,4m, hàng sẽ được trồng cách nhau từ 1,2 – 1,3m.

Đặt túi bầu

Cần cắt bỏ túi bầu trước khi thả xuống hố hoặc rãnh đã được chuẩn bị để rễ có thể tự do phát triển. Đặt bầu cây nhẹ nhàng, lấp đất và nén đều xung quanh sau đó phủ thêm 1 lớp đất tơi trên vết cắt hom từ 1 – 2cm. Lưu ý nên canh đặt mầm theo cùng 1 hướng xuôi theo chiều gió chính.

Chọn giống cho cây chè xanh
Chọn giống cho cây chè xanh

Sau khi hoàn tất cần tủ rác hoặc cỏ ở 2 bên hàng chè hoặc hốc trồng với độ dày khoảng 8 – 10cm, rộng khoảng 20 – 30cm. Lưu ý, loại cỏ rác tủ phải là loại không còn khả năng tái sinh.

Kỹ thuật chăm sóc cây chè xanh

Để cây chè xanh có thể phát triển tốt, cho ra năng suất cao và phẩm trà hảo hạng cần phải chăm sóc thường xuyên. Chăm sóc cây chè bao gồm nhiều công việc như chăm sóc định kỳ, cắt tỉa, tạo hình, bón phân,…. Cụ thể:

Kỹ thuật chăm sóc định kỳ

Chăm sóc định kỳ cho cây chè bao gồm:

  • Tưới nước: Cần tưới nước thường xuyên cho cây chè, đặc biệt là vào mùa khô và các thời điểm đặc biệt của cây như khi cây chè ra hoa kết trái và khi trái sắp chín.
  • Phòng trừ cỏ dại: Hạn chế cỏ dại hút chất dinh dưỡng của cây bằng cách tủ rác, phân xanh lên gốc. Sau mỗi trận mưa cần xới phá váng. Trước các vụ cần làm cỏ, xới sạch toàn bộ diện tích đất và xới gốc 2 -3 lần/ năm.
  • Phòng trừ sâu bệnh: 2 biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây chè xanh hiệu quả là biện pháp canh tác (diệt mầm bệnh, diệt côn trùng, diệt cỏ) và biện pháp sinh học (trồng cây bóng mát tránh cháy lá, khô lá và vàng lá).

Cắt tỉa, tạo hình

Cần cắt tỉa, tạo hình định kỳ để cây có thể tập trung phát triển tốt, không bị phân tán dưỡng chất. Nhờ vậy phẩm chè khi thu hoạch sẽ đạt chất lượng cao hơn, cây cho năng suất tốt hơn. Đốn tạo hình trải qua 2 lần, cụ thể:

Thời gian thực hiện Cách thực hiện
Lần 1 Khi cây chè đạt 2 năm tuổi Đốn thân chính: Cách mặt đất từ 12 – 15cm.Đốn cành: Cách mặt đất từ 30 – 35 cm.
Lần 2 Khi cây chè đạt 3 năm tuổi Đốn thân chính: Cách mặt đất 30 – 35 cm.Đốn cành: Cách mặt đất 40 – 45cm.

Bón phân cho cây chè

Hàng năm cần bón thúc cho cây chè bằng phân NPK với tỷ lệ 3:1:1. Lượng phân bón vào khoảng 35N/1 tấn sản phẩm + 75kg MgSO4/ 1ha. Số lần bón là 4 lần/năm. Cụ thể:

Lần 1 (Tháng 2) 30% NPK + 60% mgSO4
Lần 2 ( Tháng 5) 30% NPK + 40% MgSO4
Lần 3 (Tháng 7) 25% NPK
Lần 4 (Tháng 9) 15% NPK

Khi bón cần cuốc lật toàn bộ phần diện tích đất, giữa 2 hàng chè có thể đào rạch sâu khoảng từ 20 – 25 cm, chiều rộng từ 25 – 30cm. Phần lá trà xanh và cành chè khi đốn có thể tận dụng ép xanh kết hợp với phân hữu cơ khác bón lại cho cây với mức 30 – 35 tấn/ha.

chăm sóc cây chè xanh đạt năng suất cao
chăm sóc cây chè xanh đạt năng suất cao

Trên đây là bài viết chia sẻ những thông tin về đặc điểm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè xanh. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn đọc. Chúc các bạn áp dụng thành công. Theo dõi ngay website của chúng tôi để được cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích khác!

Bình luận (0 bình luận)

Đặt hàng nhanh