Lịch sử và nguồn gốc cây chè thái nguyên

Từ lâu, trà Thái Nguyên đã trở thành đặc sản không thể thiếu khi nhắc đến vùng đất này. Tìm hiểu lịch sử và nguồn gốc trà Thái Nguyên quá trình hình thành phát triển được giống trà với hương vị đặc biệt và đậm đà bản sắc văn hóa ẩm thực Việt Nam như thế.

Tìm hiểu về chè Thái Nguyên và nguồn gốc

Không có nhiều sử sách ghi lại lịch sử và nguồn gốc trà Thái Nguyên. Nhưng theo Văn Minh Trà Việt của tác giả Trịnh Quang Dũng, vợ của vua Hùng là người đã có công tìm kiếm, thuần hóa những cây trà hoang về dạy cho dân trồng. Truyền thuyết này góp phần vào nhận định của một số chuyên gia về sự xuất hiện đầu tiên của cây trà vườn tại Phú Thọ.

Theo tương truyền trong dân gian, ông Vũ Văn Hiệt (1883 – 1945) là người tiên phong mang giống trà từ Phú Thọ về Thái Nguyên. Nhờ hợp với thổ nhưỡng, cây trà phát triển rất tốt tại vùng đồi chè Thái Nguyên Tân Cương. Thành phẩm có chất lượng rất cao. Người dân nơi đây dần dần chuyển sang trồng trà làm thu nhập chính.

ông Vũ Văn Hiệt - ông Đội Năm
ông Vũ Văn Hiệt – ông Đội Năm – Ông tổ chè Tân Cương

Cụ Hiệt chính là người có công cải thiện đời sống người dân Thái Nguyên. Đồng thời, nâng tầm thức chè Thái Nguyên nổi tiếng lẫy lừng. Các thương lái đến từ Ấn Độ, Trung Quốc thường tìm đến ông mua trà. Để ghi nhận những đóng góp của cụ, người dân suy tôn ông là “ông tổ chè Tân Cương”. Cho đến nay, trồng và sản xuất, chế biến trà là hình thức phát triển kinh tế nổi bật tại vùng đất Thái Nguyên. Trà Thái Nguyên trở thành thứ đặc sản không thể thiếu khi nhắc đến địa danh này.

Các giống trà trồng phổ biến tại Thái Nguyên

Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai, Thái Nguyên có nhiều khả năng phát triển nông – lâm nghiệp, trong đó có trồng chè. Chè Thái Nguyên, đặc biệt là chè Tân Cương là sản phẩm nổi tiếng trong cả nước từ lâu. Chè Thái Nguyên được tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước, trong đó thị trường nội địa chiếm 70% với sản phẩm rất đa dạng gồm chè xanh, chè vàng, chè đỏ, chè đen và nhiều loại chè hòa tan, chè thảo dược khác.

Giống chè trung du

Cây chè ta đã được trồng tại Thái Nguyên từ lâu đời, được gieo trồng bằng hạt. Tuy nhiên cho năng xuất thấp nên diện tích cây chè ta đang dần bị thu hẹp và thay thế bằng các giống chè khác cho năng xuất cao hơn. đặc điểm giống chè này đậm đà, hậu ngọt xanh, màu nước vàng sáng.

Giống chè Bát Tiên

Chè bát tiên có khả năng chống sâu bệnh khá, chống hạn trung bình Chè thơm ngon đặc biệt, rất quý để làm quà biếu và thức uống bổ dưỡng thư giãn. Người sành chè thường nói chè Bát Tiên với những mỹ từ như: Thơm ngon, màu nước vàng đâm, ngọt nước.

Giống Chè TRI 777

Đây là giống chè chè shan ở Chồ Lồng huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được viện nghiên cứu chè Phú Hộ Việt Nam gửi hạt sang Sri lanka năm 1937. Diện tích trồng chè cành 777 đang ngày được mở rộng. Không chỉ vì năng xuất cao mà loại chè này còn đáp ứng được nhu cầu thưởng thức chè thái nguyên của đại đa số người tiêu dùng.

Chè có đặc điểm rất dễ nhận thấy: búp nhỏ, có một chút trên búp gọi là tuyết. Khi pha thì nước có màu xanh rất đẹp và có cảm giác bụi trắng hình sợi trên mặt nước chè. Đó chính là tuyết chè tan ra. Hương chè thơm hơn chè ta, nhưng màu nước và vị lại không đậm bằng.

Chè cành 777 được hương và vị không quá đậm nên được đại đa số người tiêu dùng ưa chuộng. Trên hết là sản lượng trồng lớn nên giá thành rất phải chăng.

Giống chè Long Vân

Vườn chè Long Vân gần dãy núi tam đảo
Vườn chè Long Vân gần dãy núi tam đảo có nguồn nước tưới quanh năm

Giống chè LDP1

Giống chè LDP, được tạo ra bằng phương pháp lai hữu tính giữa mẹ là giống mẹ Đại Bạch Trà và bố là giống PH, tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè (trước đây là Viện nghiên cứu Chè Việt Nam)

– Sinh trưởng, năng suất: Giống chè LDP, có khả năng sinh trưởng khỏe, mật độ búp dày, năng suất búp khá cao, tuổi 10 đạt 15,0 tấn/ha.

– Chất lượng: Giống chè LDP, chế biến chè xanh có ngoại hình đẹp, nước pha màu xanh vàng sáng, hương thơm đặc trưng. Chế biến chè đen đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Khả năng chống chịu sâu bệnh: Giống chè LDP, có khả năng chống chịu sâu bệnh khá (bị hại các loại sâu hại chính: rầy xanh, cánh tơ, bọ xít muỗi) ở mức độ nhẹ.

Giống chè cành lai

Giống chè này gần giống chè ta về mô tả, nhưng nước xanh hơn và có vị đâm hơn. Những người nghiện chè lâu năm thường sử dụng chè này. Vì chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ tạo ra hương vị đậm đà.

Tứ đại danh trà nổi tiếng Thái Nguyên

Tân Cương

Đặc điểm trà Tân Cương là các búp trà khô có màu xanh đen, ánh thép, xoăn chặt và nhỏ, trên bề mặt có nhiều phấn trắng. Nước trà trong màu nắng và sánh. Trà Tân Cương dường như có hương vị riêng biệt: mùi hương cốm, vị trà chát ngọt hài hòa, đặc biệt không còn vị đắng. Các nhà nghiên cứu cho rằng do tính đặc thù của thổ nhưỡng, khí hậu ưu đãi, đặc biệt chính những bàn tay tài hoa và yêu lao động của người dân nơi đây đã làm nên danh trà Tân Cương.

La Bằng

La Bằng là một xã thuộc huyện Đại Từ. La Bằng được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, nguồn nước tưới tiêu ổn định. Do đó, trà La Bằng có hương thơm và vị rất riêng: màu nước sánh vàng như mật, mùi thơm tự nhiên, đậm vị ngọt hậu.

Trại Cài

Chè Trại Cài để chỉ trà được làm bởi các xóm Tân Lập, sông Cầu trong xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ. Những người cao niên cho biết chính họ cũng không nhớ rõ cây chè đã xuất hiện từ năm nào, chỉ biết cây chè đã gắn bó với người dân nơi đây hàng trăm năm. Vùng chè Trại Cài Thái Nguyên được thiên nhiên ưu đãi với con sông Cầu chảy qua, đất đai nơi đây màu mỡ, khí hậu rất thuận lợi cho cây chè phát triển. Đây là giống chè trung du cho hương thơm và vị đậm, nước sánh nổi tiếng với những đặc trưng khó lẫn.

Khe Cốc

Những gốc chè ở Khe Cốc hầu như không cần tưới nhờ con suối cùng tên chảy từ núi Chín Tầng về xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, cùng với nước mưa và sương đêm. Trà Khe Cốc sợi dài, màu nhạt, tiền vị chát dịu, hậu vị ngọt. Hương thơm thanh là do cái trời cho: đất, nước, khí thuần khiết cùng người trồng tỉ mỉ, yêu thương cây chè.

Mục tiêu thúc đẩy ngành chè tỉnh Thái Nguyên phát triển

Xuất phát từ tình hình thực tế và thực trạng sản xuất chè tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay, cần thiết phải có những giải pháp mang tính đồng bộ trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè; đồng thời cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người nông dân. Cụ thể là:

Về phía Nhà nước và các cơ quan chức năng địa phương:

Thứ nhất, cần xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển ngành chè trong nước nói chung và ngành chè Thái Nguyên nói riêng. Áp dụng chính sách thuế phù hợp với đặc điểm ngành chè; đầu tư tín dụng, hỗ trợ về vốn thông qua các nguồn vay ưu đãi; hỗ trợ chuyển giao khoa học-kỹ thuật, giống, phân bón; cung cấp thông tin về thị trường, đào tạo nhân lực về quản lý và sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, trại – trạm, đầu tư trang bị cơ giới cho các khâu thu hái và chế biến chè.

Nông dân đang thu hoạch chè
Nông dân đang thu hoạch chè

Thứ hai, tăng cường công tác khuyến nông. Khuyến nông là cách đào tạo và rèn luyện tay nghề cho nông dân, giúp họ hiểu được những chủ trương, chính sách về nông nghiệp, những kiến thức về kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, có được các kỹ năng về quản lý kinh tế nông nghiệp và những thông tin về thị trường nông sản hàng hoá. Như vậy, công tác khuyến nông được coi là cầu nối giữa tiến bộ khoa học kỹ thuật, chính sách, thị trường với những người tham gia sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất chè nói riêng.

Thứ ba, tập trung tổ chức lại ngành chè theo hướng sản xuất lớn gắn với thị trường. Cần mở rộng liên kết các doanh nghiệp trong tỉnh với nông dân trong sản xuất chè nguyên liệu; giữa doanh nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp ngoài tỉnh; gắn lợi ích của người trồng chè với doanh nghiệp. Đồng thời, cần khuyến khích cải tạo đổi mới cơ cấu giống, điều kiện canh tác theo hướng nâng cao chất lượng; hướng dẫn thực hành sản xuất chè an toàn, cải thiện điều kiện thu hái bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật; rà soát hệ thống các cơ sở chế biến, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật sao cho bảo đảm đồng đều về chất lượng; cơ cấu lại sản phẩm chè phù hợp với thị trường.

Về phía doanh nghiệp sản xuất chè:

Thứ nhất, cần có sự đổi mới toàn diện trong ngành chè nói chung và mỗi doanh nghiệp chè nói riêng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất và chế biến chè; cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm; sản xuất sản phẩm theo hướng đa dạng hóa và phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, cần liên tục tổ chức tập huấn, đào tạo nhân lực ngành chè một cách toàn diện và chuyên sâu, nâng cao năng suất và tay nghề người lao động.

Thứ hai, tập trung sản xuất chè sạch, chè an toàn. Muốn có sản phẩm chè sạch, phù hợp thị hiếu thị trường trong nước và yêu cầu thị trường quốc tế thì việc đảm bảo an toàn không chỉ được chú trọng trong trồng, thu hoạch chè mà còn trong công tác chế biến chè. Quy trình chế biến chè phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tiến dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại hóa, có hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm khắt khe trước khi đưa ra thị trường.

Thứ ba, kết hợp sản xuất chè với du lịch làng chè: Là hướng phát triển mới cho ngành chè và du lịch tỉnh Thái Nguyên. Đây không chỉ là hình thức quảng bá cho hình ảnh cây chè và đặc sản chè Thái Nguyên mà còn giới thiệu nét đẹp trong ngành du lịch đặc trưng của tỉnh, mang lại “lợi ích kép” cho sự phát triển kinh tế – văn hóa của mỗi vùng chè đất Thái.

Về phía người trồng chè:

Thứ nhất, cần tạo ra nguồn chè nguyên liệu ổn định cho chế biến bằng các biện pháp: cải tạo đất; từng bước xác định và thay thế dần các giống chè đã thoái hóa bằng những giống chè mới phù hợp; đầu tư trồng mới, mở rộng diện tích trồng chè; đổi mới phương pháp canh tác như canh tác trên đất dốc, chống sói mòn, rửa trôi, kết hợp với trồng rừng, canh tác hữu cơ; có chế độ tưới tiêu tiết kiệm, thâm canh hợp lí,…

Thứ hai, tiếp cận các công nghệ trồng, chăm sóc và quản lí tiên tiến; không ngừng học hỏi, đổi mới phương pháp canh tác. Đặc biệt chú trọng đến sản xuất chè an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế bằng việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình và hợp lí.

Xét về tổng thể, việc phát huy sức mạnh của mối liên kết 4 nhà (Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà nước và Nhà khoa học ) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè là một trong những giải pháp mang tính toàn diện và hiệu quả. Cây chè ở Thái Nguyên là một trong cây công nghiệp dài ngày có nhiều lợi thế, là nông sản xuất khẩu hàng năm có giá trị cao, bởi vậy để khai thác hết tiềm năng của nó, cần có sự phối hợp đồng bộ từ cơ chế chính sách của Nhà nước, sự quyết tâm cao của nông dân, sự đam mê sáng tạo của các nhà khoa học và sự năng động của các doanh nghiệp trong suốt quá trình sản xuất.

Người nông dân trồng gắn bó cây chè nhiều năm
Người nông dân trồng gắn bó cây chè nhiều năm

Không thể phủ nhận chè là cây trồng chính và chiến lược của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời là một trong những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chính của Việt Nam. Cây chè Thái Nguyên nói riêng và chè Việt Nam nói chung đã và đang nhận được sự quan tâm, khuyến khích phát triển của trung ương và địa phương nhằm mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã, tạo thương hiệu và mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sản xuất chè Thái Nguyên cũng như mang thương hiệu chè Thái tương xứng với giá trị của nó, còn cần đến sự nỗ lực từ phía người nông dân, doanh nghiệp sản xuất chè cũng như sự quan tâm hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.

Bảo hộ thương hiệu Thè Thái Nguyên

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 01 thương hiệu địa phương dưới hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Chè Tân Cương” Thái Nguyên; 06 thương hiệu địa phương dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể: Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, “Chè La Bằng”, “Chè Trại Cài”, “Chè Vô Tranh”, “Chè Tức Tranh” và Nhãn hiệu tập thể “Chè Phổ Yên”. Từ việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè Thái Nguyên đã tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội trong việc giữ gìn và phát triển giá trị truyền thống của chè Thái Nguyên, nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chè Thái Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tìm hiểu thông tin tại Trà Tân Cương Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Bình luận (0 bình luận)

Đặt hàng nhanh