Ngày Quốc Khánh được xem là một trong những ngày kỷ niệm quan trọng nhất của một quốc gia. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đọc Bản tuyên ngôn Độc Lập đánh dấu cho sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà. Thời khắc lịch sử này, hàng triệu người dân Việt hạnh phúc rơi lệ. Hàng năm, vào ngày Quốc Khánh Việt Nam 2/9, cả nước đều treo cờ đỏ sao vàng, người lao động cũng được nghỉ vào dịp lễ trọng đại này.
Với mỗi người dân Việt, ngày 2/9 là một ngày lễ không thể nào quên. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đầy gian nan thử thách cũng như tinh thần đoàn kết toàn dân cùng sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để giành lại độc lập, tự do. Ngày 2/9 chính là ngày Quốc Khánh Việt Nam, tuy nhiên, về nguồn gốc của ngày lễ trọng đại này còn không ít người mơ hồ.
Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ chính thức ngày 2/9 hằng năm
“Mùa thu năm 1945” là mốc son chói lọi, là thời khắc dân ta “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Ngày 2/9/2021, kỷ niệm 76 năm ngày khai sinh ra nước Việt Nam, hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của ngày trọng đại này.
Ngày 25/8, sau khi nhiều tỉnh thành và Hà Nội giành thắng lợi, Bác Hồ trở về Hà Nội. Ngay chiều ngày hôm sau, Bác về căn nhà số 48 Hàng Ngang để trực tiếp tham gia chỉ đạo phong trào. Tại đây, cuộc họp của Thường vụ TW Đảng đã diễn ra. Nội dung chính của cuộc họp là công tác đối nội, đối ngoại. Đặc biệt là quyết định về việc tổ chức, làm lễ ra mắt chính phủ lâm thời.
Sáng sớm ngày lịch sử 2/9, tại Quảng trường Ba Đình, khắp nơi giăng cờ hoa, biểu ngữ. Hàng ngũ hàng chục vạn người áo quần chỉnh tề cùng tâm trạng phấn khởi kéo về quảng trường. Lễ đài được dựng đơn sơ và giản dị ngay trung tâm quảng trường. Xung quanh có các đội tự vệ vũ trang đầy đủ cùng các đơn vị Quân Giải Phóng. Quân phục chỉnh tề, tư thế nghiêm trang, hàng ngũ đứng thẳng tắp trước lễ đài.
Quảng trường Ba Đình ngày Quốc Khánh Việt Nam
Thời khắc này, có hơn 50 vạn người dân Việt đại diện cho mọi tầng lớp đứng tại quảng trường háo hức, hân hoan phấn khởi chờ giây phút thiêng liêng. Cùng giờ này, tại nhiều tỉnh thành, các cuộc mít tinh lớn được tổ chức. Triệu trái tim Việt cùng chung một nhịp đập, chung một niềm hân hoan, hồi hộp hướng về Hà Nội thân yêu.
Vào đúng 14h ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ trong Chính phủ lâm thời bước lên lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca vang lên đầy hùng tráng, oanh liệt, cờ đỏ sao vàng thiêng liêng từ từ được kéo lên. Quảng trường Ba Đình nắng thu rất đẹp, giờ khắc này này đã đi vào lịch sử. Nhớ mãi ngày 2/9 - ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Ngày Quốc Khánh là một ngày lễ lớn, ngày trọng đại của dân tộc Việt Nam. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Đây là thời khắc thiêng liêng khiến hàng triệu con tim người Việt bồi hồi, xúc động. Tuyên ngôn Độc lập chính là một bản hùng ca, một văn kiện với ý nghĩa lịch sử lớn lao. Ngày 2/9 là cột mốc đánh dấu thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới.
Bản Tuyên ngôn Độc Lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà - Nhà nước có được độc lập đầu tiên trong các nước thuộc địa. Không chỉ vậy, bản tuyên ngôn còn mang ý nghĩa báo hiệu cho sự thành lập của chính quyền công nông đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.
Bắt đầu từ giây phút đó, dân tộc Việt Nam đã thực sự làm chủ, nắm trong tay vận mệnh của chính quê hương, đất nước mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, toàn dân đoàn kết đồng lòng, kiên cường đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Tròn 30 năm sau ngày Quốc Khánh Việt Nam, năm 1975, chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đất nước thân yêu được độc lập, Nhân dân ta được tự do, tinh thần bất diệt, mạnh mẽ của bản tuyên ngôn khắc sâu vào trái tim, tâm khảm của mỗi người dân Việt. Chính vì vậy, ngày 2/9 đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc, ngày quốc khánh của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc khánh là dịp để người dân Việt hướng về Tổ quốc thân yêu, cùng nhau tưởng nhớ công ơn to lớn, sự hi sinh của những anh hùng, của Bác Hồ vĩ đại. Đây còn là dịp để thế hệ trẻ nhìn lại chặng đường anh dũng, bất khuất đầy hào hùng của dân tộc. Từ đó trau dồi lòng yêu nước, cố gắng học tập và làm việc để cống hiến cho dân tộc.
Với ý nghĩa lớn lao đó, ngày Quốc Khánh 2/9 trở thành ngày hội lớn của nước ta. Vào ngày này, nhà nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm ý nghĩa để tưởng nhớ công ơn của những người đã ngã xuống vì Tổ Quốc. Cũng là để kỷ niệm dấu son chói lọi, sự kiện mang tính lịch sử của toàn dân tộc Việt Nam.
Ngày 2/9 là ngày Quốc Khánh Việt Nam, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập. Quay trở về lịch sử, xoay xung quanh ngày trọng đại này có nhiều điều ít người biết tới. Nổi bật nhất là việc chọn ngày đẹp để đánh dấu mốc trọng đại của đất nước.
Sau ngày 19/8 lịch sử, Bác cùng các cộng sự đã bàn bạc về việc chọn ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập. Có nhiều người đề xuất chọn các ngày trong tháng 8, cụ thể như 25, 28/8. Trong số đó, có ông Vũ Đình Tụng (bác sĩ riêng của Bác) đã đề xuất ngày 2/9.
Ngày 2/9/1945 được chọn là ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập
Với đề xuất này, Bác đã hỏi lý do, vị bác sĩ đã giải thích rất đơn giản. Bởi 2/9 rơi vào Chủ nhật, là ngày mọi người được nghỉ. Hơn nữa, đây cũng là ngày Chúa nhật kính nên giáo dân đều đi dự lễ. Với sự kiện này có thể vận động đồng bào theo Công giáo tham gia mít-tinh.
Ngay sau đó, Bác đã cho người liên hệ với bên Toà giám mục Hà Nội. Tới ngày 22/8, Bác tới Nhà thờ lớn Hà Nội. Thấy cảnh giáo dân chuẩn bị cho ngày lễ, Bác đã nói sẽ làm cho ngày này thêm ý nghĩa. Có lẽ, đây chính là một trong những lý do dẫn tới quyết định chọn ngày 2/9 làm ngày đọc bản Tuyên bố Độc Lập.
Vào ngày lễ lớn của toàn dân tộc, tất cả người dân Việt Nam đều được nghỉ lễ. Lịch nghỉ 2/9 mỗi năm đều có sự khác biệt. Theo lịch nghỉ Lễ, Tết năm 2016, người dân cả nước được nghỉ 3 ngày. Năm 2013, 2015 người dân được nghỉ 1 ngày. Năm 2014, cả nước được nghỉ lễ Quốc Khánh tới 4 ngày.
Là ngày hội non sông nên các tỉnh thành đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Nhiều năm qua, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đều bắn pháo hoa. Năm 2016 chỉ có TPHCM bắn pháo hoa kỷ niệm. Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng tổ chức buổi Triển Lãm ý nghĩa kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và ngày 2/9. Ngoài ra còn rất nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
Kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nào cũng có các hoạt động kỷ niệm sôi nổi, tưng bừng. Năm 2020, toàn dân được nghỉ Quốc Khánh 2 ngày nếu tính cả 2 ngày nghỉ hằng tuần, người lao động sẽ được nghỉ tối đa 4 ngày trong dịp này. Vào ngày nghỉ này, dù không đi làm nhưng cán bộ, công viên chức và NLĐ vẫn được hưởng lương theo đúng quy định.
Có nhiều hoạt động ý nghĩa vào ngày Quốc Khánh Việt Nam
Quốc Khánh được nghỉ mấy ngày là chủ đề nhận được sự quan tâm của nhiều người. Trước đây, theo quy định của Nhà nước, nếu ngày 2/9 vào các ngày trong tuần thì toàn dân được nghỉ 01 ngày. Nếu rơi vào các ngày cuối tuần hay liền kề ngày cuối tuần thì số ngày nghỉ được tăng thêm, tính là nghỉ bù. Tuy nhiên, năm 2021, quy định về số ngày nghỉ lễ Quốc Khánh Việt Nam đã có sự thay đổi.
Cụ thể, theo Thông báo số 4875 của Bộ LĐTBXH, lịch nghỉ Tết âm và ngày Quốc Khánh năm 2021, toàn dân sẽ được nghỉ ngày 2/9 và ngày liền kề. Với quy định mới này, Quốc Khánh 2021 toàn dân sẽ được nghỉ 4 ngày, từ 2/9 đến ngày 5/9.
Năm nay, số ngày nghỉ Quốc Khánh 2/9 có đặc biệt hơn mọi năm. Do tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp nên nhiều người phải nghỉ làm ở nhà. Tuy nhiên, dù được nghỉ ở nhà lâu nhưng tinh thần ngày lễ 2/9 vẫn rất sôi nổi. Thay vì các hoạt động kỷ niệm, ca múa nhạc, nghệ thuật sôi nổi, ai ở đâu ở yên đó, thực hiện theo đúng chỉ thị, chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng là một cách chào mừng 76 năm ngày Quốc Khánh Việt Nam ý nghĩa.
Ngày Quốc Khánh toàn dân được nghỉ, nhà nhà treo cờ hưởng ứng
Theo quy định, ngày 2/9 người lao động được nghỉ tính lương. Nếu làm thêm giờ hoặc làm cả ngày Quốc Khánh sẽ được tính theo luật. Cụ thể, Điều 98 Luật Lao Động quy định, nếu những ngày này người lao động làm thêm giờ thì số tiền nhận được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả.
Nếu làm vào ngày thường, số tiền nhận được tối thiểu bằng 150%. Làm vào ngày nghỉ trong tuần sẽ là 200%. Đi làm vào dịp lễ, Tết và những ngày được nghỉ có lương thì số tiền tối thiểu bằng 300%. Số tiền này chưa tính tiền lương ngày Lễ, Tết cũng như các ngày nghỉ hưởng lương theo đúng quy định.
Ngoài ra, với người làm việc ban đêm thì số tiền được trả thêm tối thiểu bằng 30% tiền lương. Cùng với đó là 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm hàng ngày trong các ngày bình thường/ngày nghỉ cuối tuần/lễ, Tết.
Người lao động cần biết nghỉ ngày Quốc Khánh Việt Nam
Như vậy, nếu đi làm vào ngày Quốc Khánh thì bạn sẽ được nhận mức lương tối thiểu bằng 300%. Mức lương này chưa kể tiền lương mà bạn được nhận theo quy định ngày nghỉ được hưởng lương của người lao động.
Trên đây là một số thông tin về ngày Quốc Khánh Việt Nam mà chúng tôi muốn chia sẻ. Quốc Khánh năm 2021 có lẽ các hoạt động chào mừng, kỷ niệm sẽ bị hạn chế do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với ngày hội non sông này, toàn dân tộc Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ với tinh thần ngày 2/9 bất diệt. Việt Nam vững tin, toàn dân gắn kết đồng lòng chiến thắng đại dịch.