Thái nguyên với những đồi chè xanh ngút ngàn, với Hồ Núi Cốc xinh đẹp mộng mơ, và đặc biệt là những đặc sản ngon lạ, hấp dẫn mang đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng tìm hiểu những đặc sản Thái Nguyên được chúng tôi giới thiệu bài viết sau.
Trà Thái Nguyên
Đây chính là đặc sản nổi tiếng nhất Thái Nguyên và xứng danh là nơi sản xuất trà ngon nhất cả nước. Tại “thủ phủ trà”, du khách có thể bắt gặp các đại lý, cửa hàng bán đặc sản trà Thái Nguyên ở khắp mọi nơi. Dù không khó tìm trà Thái Nguyên tại các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước nhưng mua trà chính tại “thủ phủ trà” thì chất lượng luôn được đảm bảo.
Hương vị của trà Thái Nguyên từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều nghệ sĩ. Tên tuổi của loại trà này đã đi vào thi ca nhạc họa. Trà Thái Nguyên chính là món quà thiên nhiên quý giá và tuyệt vời nhất của người vùng đất này. Được thiên nhiên ưu đãi nên trà Thái Nguyên có hương vị vô cùng đặc biệt. Chỉ thưởng thức một chén thôi sẽ khiến du khách nhớ nhung và dâng trào biết bao cảm xúc.
Đặt chân tới Thái Nguyên, bạn sẽ được khám phá những vùng trà trải dài rộng khắp, xanh ngút ngàn. Thái Nguyên có đặc sản trà, thế nhưng xã Tân Cương luôn là nơi cho ra chất lượng trà đặc biệt nhất. Với truyền thống làm trà hơn trăm năm, Tân Cương luôn cho ra những sản phẩm trà chất lượng, thơm ngon và tuyệt vời nhất.
Cơm lam Định Hóa
Đây là món ăn dân giã, quen thuộc của người đồng bào tại Định Hóa, Thái Nguyên. Món ăn này trở thành đặc sản bởi hương vị đặc biệt của nó. Cũng giống như các món cơm lam của vùng khác, cơm lam Định Hóa được nấu trong ống nứa. Thế nhưng cái khác chính là sự khéo léo của người làm và nguyên liệu riêng biệt của vùng đất Định Hóa này.
Cơm lam Định Hóa nấu từ gạo nếp thơm, ngon và sạch. Thông thường, người dân Định Hóa sẽ chọn loại nếp thu hoạch vào tháng 9, 10 để làm. Gạo chọn lựa những hạt mẩy, tròn và chắc, sau đó cho vào ống tre nứa non, nướng đều trên bếp lửa.
Khi cơm chín, mùi hương nếp kết hợp với hương tre nứa thoát ra. Đó là hương thơm đậm chất dân giã và bình yên. Chẻ ống nứa ra, bạn sẽ thấy cơm trắng, dẻo và thơm. Chấm cùng muối vừng thì đúng kiểu, ăn quên sầu.
Trám đen Hà Châu
Xã Hà Châu thuộc huyện Phú Bình, cách thành phố 30km về hướng Nam. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với các loại rau củ mà còn đặc nức danh với đặc sản trám rừng. Đi Thái Nguyên mua gì làm quà? Đừng bỏ qua trám đen Hà Châu bạn nhé. Chắc chắn đây sẽ là một đặc sản Thái Nguyên khiến nhung nhớ mãi không quên đấy.
Trám đen là cây thân mộc, đơm hoa vào tháng 2, quả chín tháng 7. Quả trám hình thoi, nhọn đầu, nhân có màu trắng. Sản vật Hà Châu tại Thái Nguyên có ăn rất ngọt và bùi. Hơn nữa, du khách vừa có thể dùng trám đen làm vị thuốc, làm món ăn. Nổi bật nhất là trám om và trám nấu.
Bánh chưng Bờ Đậu
Bánh chưng là món bánh truyền thống mỗi dịp Tết đến xuân và của người dân miền Bắc. Dù không còn xa lạ gì với món ăn này nhưng ghé thăm Thái Nguyên bạn nhất định không thể bỏ qua bánh chưng Bờ Đậu. Đây là một đặc sản có từ thời kháng chiến chống Pháp. Món bánh nổi tiếng của vùng đất này đã được các tài xế đường dài truyền tai nhau.
Bánh chưng Bờ Đậu làm từ gạo nếp nương thơm ngon của vùng Định Hóa. Nhân bánh với thịt heo của người dân bản. Đỗ xanh chọn loại sạch và đảm bảo chất lượng, lá gói bánh hoàn toàn là lá dong rừng, mọc tự nhiên tại núi Na rỳ, Bắc Kạn.
Vì là một đặc sản của vùng đất này nên bạn được bán quanh năm. Với những tín đồ ẩm thực thì chắc chắn rằng khi đi qua Thái Nguyên sẽ ghé mua bánh chưng Bờ Đậu về làm quà. Vỏ bánh xanh mướt, thơm mùi lá dong, lớp gạo nếp dẻo quánh, nhân bánh bùi và ngậy, thêm chút mặn, chút cay thơm của hạt tiêu.
Một điểm khác nữa của bánh chưng nơi đây là người dân không dùng khuôn để tạo hình. Nước để luộc bánh chưng Bờ Đậu phải là nước từ giếng của làng. Người dân nơi đây thường gọi là “giếng thần”.
Mật ong rừng Thái Nguyên
Đi Thái Nguyên mua gì làm quà? Mật ong rừng là một gợi ý tuyệt vời dành cho các du khách. Mật ong không phải là một đặc sản lạ. Bởi bạn có thể tìm thấy rất nhiều mật ong tại các tỉnh miền núi như Lào Cai, Hà Giang,… Tuy nhiên, mật ong của mỗi nơi mỗi khác. Mật ong Thái Nguyên cũng sở hữu đặc điểm và hương vị riêng.
Mật ong của “thủ phủ trà” mang hương vị hoa nhãn, hoa vải, một mùi hương đậm chất Bắc. Người dân nơi đây thu hoạch mật thủ công, vào rừng lấy mật tự nhiên sau đó lọc, vắt và bảo quản. Loại mật ong rừng Thái Nguyên chuẩn có vị ngọt tự nhiên, không biến chất hay thay đổi màu. Đặc biệt, mật ong của vùng đất này không hề lắng cặn, có thể nắp kín và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Nem chua Đại Từ
Nem chua không chỉ là đặc sản của Thanh Hóa mà tại Thái Nguyên, món ngon này cũng trở thành đặc sản bởi hương vị đặc biệt. Nem chua Đại Từ có hương vị khác với nem chua Thanh Hóa. Chính sự khác biệt này làm nên tên tuổi của nem chua Đại Từ. Nếu như nem chua xứ Thanh có thể ăn liền khi chín thì nem chua Đại Từ cần phải nướng bằng than củi trước khi thưởng thức.
Nem chua Đại Từ được làm bằng những nguyên liệu ngon, sạch và chuẩn nhất. Món ngon này được chế biến từ thịt nạc mông, thính, các gia vị khác như tiêu, tỏi, ớt, rượu và lá ổi. Nem gói trong lá chuối sạch, thực hiện lên men đúng cách. Khi nem lên men đủ ngày, trước khi ăn bạn cần nướng qua trên bếp than củi. Mùi chua tự nhiên, ngọt từ thịt, thơm của tiêu tỏi và chút cay nhẹ của ớt sẽ để lại cho bạn một dư vị khó quên.
Bánh Cooc Mò
Đặc sản Thái Nguyên này độc đáo ngay từ tên gọi của nó. Trong tiếng Tày, Cooc Mò được hiểu là sừng bò. Chính vì vậy, loại bánh này có hình dáng chóp nón, nhìn rất giống với sừng bò. Nguyên liệu chính của bánh là gạo nếp của bà con vùng núi, mùi thơm, dẻo.
Để có được món bánh Cooc Mò ngon thì người làm bánh phải khéo léo và tỉ mỉ. Gạo nếp nương được vo sạch, ngâm cho mềm. Lá chuối rửa sạch, xé miếng vuông sau đó cuộn thành hình chiếc phễu. Nếp sau nghi ngâm và để ráo sẽ được đổ vào bên trong, sau đó gấp mép lá đều đặn, buộc bằng lạt mềm.
Món Cooc Mò không làm khó được các bà nội trợ Thái Nguyên. Những đôi tay nhanh thoăn thoắt, khéo léo đã tạo nên những chiếc “sừng bò” đẹp mắt.
Bánh được luộc trong 2 giờ để nếp chín đều, quyện mùi hương lá chuối dân dã. Bánh Cooc Mò không nhân nhưng ăn rất thơm và dẻo, ăn nhiều không thấy chán. Đi Thái Nguyên mua gì làm quà? Hãy biếu mọi người những chiếc bánh dẻo thơm này, chắc chắn rằng mọi người sẽ tấm tắc không thôi đấy nhé.
Bánh ngải của người Tày
Bánh ngải là một đặc sản Thái Nguyên có màu sắc vô cùng ấn tượng. Toàn bộ bánh là màu xanh lá rất đẹp mắt, hình tròn và dẹt giống như bánh dày. Thay vì chỉ dùng gạo nếp, bà con người Tày đã sáng tạo, làm nên nét độc đáo khi kết hợp với rau ngải cứu. Bánh ngải của người Tày vừa thơm ngon, vừa tốt cho sức khỏe lại rất đẹp mắt.
Cách làm bánh ngải không khó, thế nhưng cái công phu chính là bước chuẩn bị và chọn nguyên liệu. Muốn cho ra lò một mẻ bánh ngon thì các bà con người Tày phải tìm chọn nếp nương chất lượng, tìm rau ngải sạch. Bên cạnh đó là đường phên và rang hạt kê vừa tới.
Loại bánh chay này rất dễ ăn, không bị ngấy, vị thanh đạm, ngọt dịu, thơm hương nếp và rau ngải, hương hạt kê làm mùi hương ấn tượng của bánh. Trước kia, bánh ngải của người Tày chỉ làm vào dịp lễ Tết. Tuy nhiên, khi đã trở thành đặc sản nức danh thì bánh được làm quanh năm để các du khách có thể mua về làm quà hoặc thưởng thức khi đặt chân tới vùng đất này.
Rau bò khai
Rau bò khai là một trong những loại rau rừng rất nổi tiếng. Các loại rau rừng như rau dớn, rau sắng, rêu đá, bò khai,…. Đều là những loại rau rừng được các bà nội trợ Thủ đô “săn lùng” ráo riết. Bởi ở các chợ thành phố hầu rất hiếm và gần như không thể mua được những loại rau này. Chính vì vậy, nếu có cơ hội tới Thái Nguyên thì khi về bạn nhất định phải mua rau bò khai làm quà nhé.
Loại rau với cái tên lạ lẫm này chính là sản vật dân dã, bình dị của Thái Nguyên. Rau bò khai là một loại thực phẩm có hương vị đặc biệt và rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, loại rau này còn có công dụng làm thuốc. Đồng bào của các vùng núi Lạng Sơn, Thái Nguyên thường dùng lá rau bò khai phơi khô để sắc nước uống.
Nước sắc rau bò khai có thể điều trị viêm gan do siêu vi. Bên cạnh đó, nước sắc cây bò khai còn có thể điều trị tình trạng đau bụng do sỏi thận. Người mệt mỏi, chán ăn có thể ăn canh rau bò khai hoặc uống nước sắc loại rau này để cải thiện tình trạng bệnh. Trong lĩnh vực ẩm thực, để rau bò khai bớt mùi thì trước khi chế biến cần vò kỹ và rửa qua nước.
Khi đến tham quan những địa điểm du lịch Thái Nguyên bạn nên thưởng thức ẩm thực địa phương tại đây để có thêm trải nghiệm về văn hoá vùng miền, để chuyến đi thêm phần trọn vẹn thì bạn nhất định phải mua những đặc sản nức tiếng tại nơi đây về làm quà. Chúc bạn có chuyến đi du lịch Thái Nguyên vui vẻ.
Đem suy nghĩ và hiểu biết của mình ra ngoài qua con chữ, hi vọng đều sẽ là những bài viết có ý nghĩa với mọi người kiến thức về phong thuỷ, nấu ăn, thủ thuật, mẹo vặt đời sống hằng ngày.